Thời gian gần đây, tình trạng trâu, bò chăn thả rông tại các đô thị gây mất an toàn giao thông gây bức xúc trong dư luận, nhiều người đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của những người chăn dắt gia súc khi xảy ra va chạm với phương tiện giao thông.
1. Gia súc thả rông gây tai nạn giao thông ai là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?
Căn cứ tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cụ thể như sau:
Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Đối với trường hợp gia súc thả rông gây tai nạn giao thông thì người chủ sở hữu gia súc đó phải là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Ngoài ra, nếu chứng minh được lỗi hoàn toàn nằm ở người thứ ba làm cho gia súc hoảng sợ và gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải chịu bồi thường thiệt hại.
Nếu người thứ ba và gia súc của người chủ sở hữu đều có lỗi thì cả hai cùng bồi thường thiệt hại
Trường hợp gia súc bị chiếm hữu trái pháp luật trước đó rồi gây ra thiệt hại thì người chiếm hữu gia súc trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Nếu chủ sở hữu và người chiếm hữu đều có lỗi trong việc để gia súc bị chiếm hữu sử dụng trái pháp luật thì phải chịu liên đới bồi thường thiệt hại.
Trường hợp gia súc thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
2. Gia súc thả rông gây tai nạn giao thông chết người ai là người chịu trách nhiệm hình sự?
Theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 quy định cụ thể về tội vô ý làm chết người như sau:
Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Như vậy, trường hợp gia súc thả rông gây tai nạn giao thông chết người có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội vô ý làm chết người.
Hành vi này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 10 năm tùy vào tính chất, mức độ và hành vi phạm tội.