Các quy định về việc vẽ cờ Tổ quốc, sử dụng quốc kỳ

Các quy định về việc vẽ cờ Tổ quốc, sử dụng quốc kỳ

Hiện nay, xu hướng sơn quốc kỳ lên mái nhà đã và đang lan rộng trên nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Tây Ninh… Nhiều người còn hưởng ứng phong trào này bằng cách sơn lá cờ tổ quốc lên cửa cuốn, tường nhà tạo ra một phong trào có sức lan tỏa lớn, được nhiều người hưởng ứng. Trên các nền tảng mạng xã hội gần đây, những bài đăng, video với nội dung trên có thể thu hút đến hàng triệu lượt xem cũng như tương tác. Đây là trào lưu thể hiện rõ tinh thần yêu nước cao đẹp trong trái tim của nhữn người trẻ tuổi hiện nay. Tuy nhiên, khi sử dụng, vẽ quốc kỳ, người dân cần lưu ý những quy định của pháp luật sau

1. Quy định về quốc kỳ

Hướng dẫn 3420/HD-BVHTTDL  năm 2012 về sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy định:1

1. Hình Quốc kỳ: Điều 141 chương XI Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992; Thông tư số 68/VHTT-TT ngày 24 tháng 8 năm 1993 của Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

“…Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh…”

– “…Điểm giữa ngôi sao vàng đặt đúng điểm giữa (điểm giao nhau của hai đường chéo) Quốc kỳ.

– Khoảng cách từ điểm giữa ngôi sao đến đầu cánh sao bằng một phần năm chiều dài của Quốc kỳ.

– Một cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài Quốc kỳ và hướng thẳng lên phía trên theo đầu cột treo Quốc kỳ.

– Tạo hình ngôi sao: từ đầu cánh sao này đến đầu cánh sao đối diện là đường thẳng, không phình ở giữa, cánh sao không bầu.

– Hai mặt của Quốc kỳ đều có ngôi sao vàng trùng khít nhau.

– Nền Quốc kỳ màu đỏ tươi, ngôi sao màu vàng tươi…”

Từ việc sơn hình cờ Tổ quốc lên tường nhà ở Quảng Ninh: Vẽ và treo quốc kỳ sao cho đúng? | Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh

2. Cách treo, vẽ quốc kỳ đúng quy định 

Theo Mục III Phần II Điều lệ 974-TTg năm 1956 đã quy định:

“1) Khi treo quốc kỳ thì phải chú ý đừng để ngược ngôi sao,

2) Treo quốc kỳ ta với quốc kỳ một nước khác: người đứng đằng trước nhìn vào thì cờ của ta ở bên tay phải, cờ nước ngoài ở bên tay trái.

3) Khi cần treo quốc kỳ của ta và quốc kỳ nhiều nước khác thì sẽ có chỉ thị riêng của Chính Phủ định rõ thứ tự xếp đặt các cờ.

4) Khi treo cờ của ta và cờ các nước khác, thì các cờ phải làm đúng biểu mẫu, làm bằng nhau và treo đều nhau, không treo lá to lá nhỏ, lá cao lá thấp.

5) Treo cờ và ảnh: Treo ảnh Chủ Tịch Nước cùng với quốc kỳ thì để ảnh thấp hơn quốc kỳ, hoặc để ảnh trên nền quốc kỳ dưới ngôi sao. Ở các cơ quan, chỉ treo thường xuyên ảnh Chủ Tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.”

3. Trường hợp không được tự ý cắm quốc kỳ

Theo Mục VI Điều lệ 974-TTg năm 1956 đã quy định như sau:

– Quốc kỳ được cắm vào xe ô tô của các Đại sứ và Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài.

– Khi đón, đưa các đại biểu Chính Phủ nước ngoài thì cắm quốc kỳ của ta và quốc kỳ nước ngoài vào xe ô tô dùng cho các đại biểu ấy. Đứng đằng trước nhìn vào thì quốc kỳ của ta ở bên phải, quốc kỳ nước ngoài ở bên tay trái.

Ngoài những trường hợp nói trên, các xe cơ quan và xe tư nhân không được cắm quốc kỳ.