Tại sao nên nhờ Luật sư tư vấn soạn thảo điều khoản sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng?

Tại sao nên nhờ Luật sư tư vấn soạn thảo điều khoản sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng?

Nhiều vấn đề đã được đặt ra trong bối cảnh đại dịch, để hạn chế trách nhiệm pháp lý phát sinh trong hợp đồng, bên vi phạm hợp đồng có thể viện dẫn tới tình trạng bất khả kháng hoặc hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Việc vận dụng các điều khoản này cũng đòi hỏi các điều kiện nhất định. Để tránh dẫn tới tranh chấp, các bên cần quy định về vấn đề này một cách phù hợp hoặc nhờ đến sự trợ giúp pháp lý chuyên nghiệp của luật sư để soạn thảo điều khoản này thuận lợi cho tất cả các bên.

  1. Sự kiện bất khả kháng là gì?

Một sự kiện được coi là bất khả kháng khi đảm bảo ba điều kiện sau:

– Sự kiện xảy ra một cách khách quan, các bên không kiểm soát được;

– Các bên không thể lường trước được một cách hợp lý về sự xuất hiện của sự kiện này khi các bên ký kết hợp đồng;

– Mặc dù bên vi phạm hoặc các bên đã áp dụng mọi biện pháp trong khả năng của mình nhưng hậu quả của sự kiện vẫn không thể khắc phục.

Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì bên không thực hiện đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng sẽ được miễn trách nhiệm, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Một khi quy định về miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng được quy định trong luật, các bên có thể không cần đưa điều khoản sự kiện bất khả kháng vào hợp đồng. Khi có hành vi vi phạm xảy ra thì bên vi phạm vẫn có thể viện dẫn các quy định pháp luật đó để được miễn trách nhiệm pháp lý, ví dụ như không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, tranh chấp rất dễ xảy ra nếu các bên không thống nhất được sự kiện nào là bất khả kháng. Vì vậy, các bên nên có điều khoản riêng về sự kiện bất khả kháng và lưu tâm về một số vấn đề sau.

  1. Lưu ý về điều khoản sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng

Soạn thảo điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng

Tùy thuộc vào bản chất của giao dịch giữa các bên, tính chất phức tạp của hợp đồng, khả năng xảy ra sự kiện bất khả kháng,… mà các bên lựa chọn các tiêu chí phù hợp cho điều khoản này. Cụ thể, các bên nên:

– Đưa ra các tiêu chí để xác định thế nào là một sự kiện bất khả kháng, phù hợp với giao dịch và bản chất của hợp đồng

– Liệt kê cụ thể những trường hợp mà các bên xem là sự kiện bất khả kháng. Thường những sự kiện sau sẽ được quy định trong điều kiện về sự kiện bất khả kháng: thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, đình công, lãn công và thay đổi chính sách, biện pháp của Chính phủ, các hành vi các cơ quan công quyền,… Ví dụ, các bên có thể liệt kê rõ việc bùng phát đại dịch COVID-19, các quyết định hành chính về việc áp dụng biện pháp hạn chế về đi lại, kinh doanh của các cơ quan có thẩm quyền… sẽ được xem là sự kiện bất khả kháng.

Quy định phạm vi miễn trách nhiệm cho bên vi phạm

Đây là điều quan trọng nhất và không thể thiếu trong mỗi điều khoản sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng.

Đầu tiên, về vấn đề miễn trách nhiệm, bên đàm phán hợp đồng có thể quy định bên vi phạm do sự kiện bất khả kháng có thể được (hoặc không được) miễn trừ một hoặc nhiều chế tài được quy định trong luật hay hợp đồng. Trách nhiệm mà bên này được miễn có thể bao gồm bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm, trả lãi chậm trả, nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, hoặc các trách nhiệm khác mà các bên thỏa thuận. Hoặc bên vi phạm chỉ được miễn trừ một phần (ví dụ: 50%) tổng giá trị nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, các bên còn có thể đưa thêm các quy định về những công việc mà bên vi phạm phải thực hiện để được hưởng miễn trách nhiệm. Đối với các nghĩa vụ mà bên vi phạm phải thực hiện để được miễn trách nhiệm, trong một số trường hợp, hợp đồng sẽ quy định bên vi phạm phải thông báo cho (các) bên còn lại được biết trong một thời hạn hợp lý.

Nghĩa vụ chứng minh

Bên cạnh đó, các bên còn có thể đưa thêm quy định về việc bên vi phạm phải chứng minh cho bên còn lại rằng mình không hề có lỗi trong việc gây ra sự kiện bất khả kháng, đồng thời đã áp dụng các biện pháp cần thiết trong khả năng của mình để giảm thiểu thiệt hại nhưng vẫn không ngăn chặn được.

Dự trù của các bên

Cuối cùng, một giải pháp để giải quyết hậu quả do sự kiện bất khả kháng gây ra cũng là điều các bên cần cân nhắc là có nên cho phép hợp đồng chấm dứt hiệu lực nếu sự kiện bất khả kháng kéo dài liên tục trong một thời gian nhất định, khiến cho việc tìm kiếm lợi nhuận từ giao dịch giữa hai bên bị triệt tiêu hoặc gần như là không còn nữa.

Để được bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình, các thương nhân nên nhờ Luật sư hỗ trợ để được giải đáp cũng như tư vấn soạn thảo hợp đồng để giảm thiểu tối đa rủi ro khi thực hiện hợp đồng, giữ gìn uy tín thương hiệu và thiện chí với đối tác.