Tuổi nghỉ hưu thấp nhất và cao nhất của người lao động năm 2025

Tuổi nghỉ hưu thấp nhất và cao nhất của người lao động năm 2025

Quy định pháp luật về tuổi nghỉ hưu đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi của người lao động và cân bằng nguồn nhân lực cho nền kinh tế. Ở mỗi quốc gia, độ tuổi nghỉ hưu tối thiểu và tối đa được thiết lập dựa trên nhiều yếu tố như sức khỏe, tính chất công việc, và hệ thống an sinh xã hội. Những quy định này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người lao động mà còn có tác động đến năng suất lao động, chi phí bảo hiểm xã hội, và sự ổn định của thị trường lao động. Việc tìm ra mức tuổi nghỉ hưu phù hợp vừa bảo vệ sức khỏe người lao động vừa đảm bảo sự phát triển kinh tế là một thách thức lớn đối với các nhà làm luật.

Người nghỉ hưu giàu có hay không cũng nên đỡ đần con cháu 3 điều để chừa "đường lui", về già không hối hận

1. Quy định của pháp luật hiện nay về tuổi nghỉ hưu cao nhất

Theo quy định tại khoản 4 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 6 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Khi đó, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn khi thỏa thuận với người sử dụng lao động tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu quy định tại Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của người lao động năm 2025 trong điều kiện lao động bình thường như sau:

  • Đối với lao động nam: Độ tuổi nghỉ hưu là 61 tuổi 3 tháng.
  • Đối với lao động nữ: Độ tuổi nghỉ hưu là 56 tuổi 8 tháng.

Dựa vào nội dung quy định nêu trên, tuổi nghỉ hưu cao nhất năm 2025 của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được quy định như sau:

  • Đối với lao động nam: Độ tuổi nghỉ hưu cao nhất không quá là 66 tuổi 3 tháng.
  • Đối với lao động nữ: Độ tuổi nghỉ hưu cao nhất không quá là 61 tuổi 3 tháng.

2. Quy định của pháp luật hiện nay về tuổi nghỉ hưu thấp nhất 

Cụ thể tại Điều 5 Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được quy định cụ thể như sau:

Người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:

  • Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
  • Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021.
  • Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
  • Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc quy định tại điểm a và thời gian làm việc ở vùng quy định tại điểm b khoản này từ đủ 15 năm trở lên.

Như vậy, tuổi nghỉ hưu thấp nhất năm 2025 của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được quy định như sau:

  • Đối với lao động nam: Độ tuổi nghỉ hưu cao nhất không quá là 56 tuổi 3 tháng.
  • Đối với lao động nữ: Độ tuổi nghỉ hưu cao nhất không quá là 51 tuổi 8 tháng.

3. Thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng lương hưu

Theo Điều 3 Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng chế độ hưu trí như sau: “Thời điểm nghỉ hưu là kết thúc ngày cuối cùng của tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định”.

Đối với trường hợp người lao động tiếp tục làm việc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì thời điểm nghỉ hưu là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

  • Thời điểm hưởng chế độ hưu trí là bắt đầu ngày đầu tiên của tháng liền kề sau thời điểm nghỉ hưu.
  • Trường hợp hồ sơ của người lao động không xác định được ngày, tháng sinh mà chỉ có năm sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để làm căn cứ xác định thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng chế độ hưu trí.

Như vậy, theo quy định nêu trên, thời điểm nghỉ hưu là kết thúc ngày cuối cùng của tháng đủ tuổi nghỉ hưu. Thời điểm hưởng lương hưu là bắt đầu ngày đầu tiên của tháng liền kề sau thời điểm nghỉ hưu.