Căn cứ Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT có quy định về thời hạn của giấy phép lái xe như sau:
Điều 17. Thời hạn của giấy phép lái xe
1. Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.
2. Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
3. Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
4. Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.
5. Thời hạn của giấy phép lái xe được ghi trên giấy phép lái xe.
Tại khoản 1 Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được sửa đổi bởi khoản 27 Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT quy định như sau:
Điều 36. Cấp lại giấy phép lái xe
1. Người có giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng
a) Từ 03 tháng đến dưới 01 năm, kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lại lý thuyết theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 Thông tư này để cấp lại giấy phép lái xe;
b) Từ 01 năm trở lên kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lại lý thuyết theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 Thông tư này, thực hành lái xe trong hình và trên đường để cấp lại giấy phép lái xe;
c) Hồ sơ dự sát hạch lại thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 19 của Thông tư này.
….
Như vậy, bằng lái xe B2 sẽ được sử dụng là trong vòng 10 năm kể từ ngày cấp.
Nếu cá nhân có bằng lái xe B2 hết hạn dưới 3 tháng thì vẫn có thể được cấp đổi mà không phải dự thi sát hạch lại lý thuyết và thực hành.
Trường hợp bằng lái xe B2 quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên thì cá nhân phải làm thủ tục cấp lại. Cụ thể:
+ Nếu bằng lái xe B2 quá thời hạn sử dụng từ 03 tháng đến dưới 01 năm, kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lại lý thuyết để được cấp lại.
+ Nếu bằng lái xe B2 quá thời hạn sử dụng từ 01 năm trở lên kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lại lý thuyết, thực hành lái xe trong hình và trên đường để cấp lại.