Trong thực tế cuộc sống,rất nhiều đôi nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng kí kết hôn.Giữa họ không tồn tại mối quan hệ nào về mặt pháp lí và hôn nhân của họ không được pháp luật bảo vệ. Trong quá trình sống chung với có rất nhiều đôi nam nữ phát sinh các vấn đề liên quan đến tài sản chung như cùng kinh doanh chung,mua tài sản chung hoặc cùng nhau tạo lập nên các khối tài sản chung khác.
1.Thế nào là chung sống như vợ chồng.
Theo khỏan 3 Điều 7 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.” Việc nam nữ tổ chức sống chung với nhau, coi nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn được coi là chung sống như vợ chồng. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung…
2. Chia tài sản trong trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng như thế nào?
Căn cứ vào Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.
2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.
Căn cứ vào Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Theo đó, quan hệ tài sản của nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn sẽ được chia theo thỏa thuận của các bên. Nếu như không có thỏa thuận thì tiến hành chia tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định liên quan khác.
Căn cứ vào Điều 219 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Chia tài sản thuộc sở hữu chung
1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Như vậy, tài sản thuộc sở hữu chung của nam nữ chung sống như vợ chồng có thể phân chia thì mỗi bên đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung.
Trường hợp tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì bên yêu cầu chia tài sản có quyền bán phần quyền sở hữu chung của mình cho bên còn lại.