Con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn quyền nuôi thuộc về ai?

Con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn quyền nuôi thuộc về ai?

1. Quyền nuôi con dưới 3 tuổi khi ly hôn thuộc về ai?

Theo Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, con dưới 3 tuổi (36 tháng tuổi) sẽ do người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, ngoại trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Theo đó, trường hợp vợ chồng thỏa thuận quyền nuôi con, Tòa án vẫn phải xem xét trên các điều kiện đảm bảo quyền lợi của con về mọi mặt. Vì theo pháp luật Việt Nam hiện hành, lợi ích của trẻ luôn được đặt lên hàng đầu, nhất là trường hợp trẻ dưới 3 tuổi cần đến sự săn sóc và chăm nom của người mẹ.

Ngoài ra, người bố được quyền nuôi dưỡng con dưới 3 tuổi trong các trường hợp sau:

  • Vợ chồng thống nhất với nhau giao con cho bố trực tiếp nuôi nấng, dưỡng dục;
  • Người mẹ không đủ điều kiện để nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục con;
  • Cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với sự phát triển của con.

2. Khi nào mẹ không được trực tiếp nuôi dưỡng con dưới 36 tháng tuổi

Căn cứ theo quy định pháp luật  thì con dưới 36 tháng tuổi đương nhiên thuộc về người mẹ. Tuy nhiên, một số điều kiện khiến lợi ích của con không được đảm bảo dẫn đến người mẹ không được trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi, theo quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, sẽ hạn chế quyền của mẹ đối với con nếu thuộc một trong các điều kiện sau:

  • Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
  • Phá tán tài sản của con.
  • Có lối sống đồi trụy.
  • Xúi dục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Ngoài ra còn một số điều kiện hạn chế quyền nuôi con trực tiếp, nếu mặt tinh thần và vật chất nuôi dưỡng không đảm bảo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của con, người mẹ có thể không được trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi như:

    • Điều kiện về kinh tế: người mẹ không có việc làm ổn định, không có bất kỳ một khoản thu nhập nào, thu nhập không ổn định, có nhiều khoản nợ riêng, không có khoản tiền tích lũy nào, người mẹ sau ly hôn không có chỗ ở ổn định.
    • Điều kiện về tinh thần: bỏ bê con cái không có thời gian nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.
    • Người mẹ bị mất năng lực hành vi dân sự, mất tích, có dấu hiệu mắc các bệnh về tâm thần, mắc các bệnh hiểm nghèo, nan y, sức khỏe yếu cần phải điều trị mà không thể chăm sóc con được.

3. Nghĩa vụ của người cha không trực tiếp nuôi con sau ly hôn

Nghĩa vụ của người cha không trực tiếp nuôi dưỡng con dưới 3 tuổi sau ly hôn được quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau:

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

  1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
  2. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Căn cứ theo quy định trên, người cha không trực tiếp nuôi dưỡng con phải tôn trọng quyền của con sống chung với người mẹ đã trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục và buộc cha phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Đồng thời, người cha có quyền thăm nom con cái mà không bị bất kỳ ai cản trở.