Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, nhãn hiệu không chỉ là dấu hiệu phân biệt hàng hóa, dịch vụ của một doanh nghiệp mà còn nhằm mục đích đại diện cho uy tín và giá trị thương hiệu. Việc được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh, từ sự tín nhiệm của người tiêu dùng đến khả năng bảo vệ quyền lợi pháp lý. Tuy nhiên, để đạt được danh hiệu này, nhãn hiệu cần phải đáp ứng nhiều tiêu chí nhất định theo quy định pháp luật.
(Ảnh minh họa)
1. Nhãn hiệu nổi tiếng là gì?
Định nghĩa về nhãn hiệu nổi tiếng lần đầu được quy định trong pháp luật Việt Nam tại điểm b khoản 8 Điều 2 Nghị định 06/2001/NĐ – CP. Khi đó, nhãn hiệu nổi tiếng được hiểu là “nhãn hiệu hàng hóa được sử dụng liên tục cho sản phẩm, dịch vụ có uy tún khiến cho nhãn hiệu được biết đến một cách rộng rãi”.
Sau này, cùng với sự ra đời của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, khoản 20 Điều 4 quy định thêm giới hạn phạm vi nổi tiếng: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến một cách rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”. Điều này sẽ giúp phân biệt giữa nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới nhưng không được biết đến rộng rãi ở Việt Nam để tránh nhầm lẫn trong quá trình đánh giá.
Đến năm 2022, một lần nữa định nghĩa lại có sự sửa đổi trong cách xác định đối tượng để phù hợp với các tiêu chí công nhận nhãn hiệu nổi tiếng dựa trên các quy định của công ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia. Khoản 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định: “Nhãn hiệu nổi tiếng được hiểu là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam”.
Như vậy, có thể hiểu, nhãn hiệu nổi tiếng là thuật ngữ để chỉ các thương hiệu có độ nhận diện cao, được biết đến rộng rãi trong một lĩnh vực nhất định. Việc được công nhận là một nhãn hiệu nổi tiếng có ý nghĩa quan trọng trong việc cạnh tranh trên thị trường.
2. Các tiêu chí để được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng
Theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ 2022, những tiêu chí làm căn cứ chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng bao gồm:
“1. Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
2. Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
3. Doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
4. Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
5. Uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
6. Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
7. Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
8. Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.”
Các tiêu chí được quy định trong pháp luật không chỉ quy định sự đáp ứng về số lượng, phạm vi hoạt động mà còn đặt ra những yêu cầu về sự nỗ lực, tâm huyết của doanh nghiệp thông qua uy tín rộng rãi, thời gian sử dụng liên tục… Do đó, một thương hiệu khi có đủ khả năng đáp ứng những tiêu chí trên sẽ hoàn xứng đáng trở thành một nhãn hiệu nổi tiếng.
Như vậy, việc công nhận một nhãn hiệu nổi tiếng không chỉ đơn thuần là một hình thức pháp lý mà còn là sự ghi nhận những nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu và tạo dựng uy tín trên thị trường. Các tiêu chí như độ nhận diện, thời gian sử dụng, chất lượng sản phẩm, doanh thu và phản hồi từ người tiêu dùng đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình đánh giá này. Có thể thấy, để được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng, doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao giá trị thương hiệu, đầu tư vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đồng thời xây dựng mối quan hệ tích cực với khách hàng. Chỉ khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này, nhãn hiệu mới có thể khẳng định được vị thế của mình, từ đó tạo ra những lợi ích lâu dài và bền vững trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay.