Doanh nghiệp nợ thuế có được tạm ngừng kinh doanh không và xử lý như thế nào khi doanh nghiệp nợ thuế?

Doanh nghiệp nợ thuế có được tạm ngừng kinh doanh không và xử lý như thế nào khi doanh nghiệp nợ thuế?

1. Tạm ngừng kinh doanh là gì?

Tạm ngừng kinh doanh được hiểu là trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nhất định và phải thông báo bằng văn bản về thời điểm bắt đầu và thười hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày trước ngày tạm ngừng.

2. Doanh nghiệp nợ thuế có được tạm ngừng kinh doanh không?

Theo Khoản 3 Điều 206 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:

“Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác

  • Điều này có nghĩa là pháp luật không cấm việc doanh nghiệp đang nợ thuế thì không được phép tạm ngừng kinh doanh. Doanh nghiệp nợ thuế vẫn được phép tạm ngừng kinh doanh như doanh nghiệp bình thường, và trong thời gian tạm ngừng kinh doanh thì doanh nghiệp phải tiếp tục hoàn thành việc thanh toán các khoản nợ này.

Tuy nhiên trên thực tế, thì việc các doanh nghiệp nợ thuế thường sẽ không được phép tạm ngừng kinh doanh cho tới khi hoàn thành các nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế. Doanh nghiệp nên chủ động hoàn thành các nghĩa vụ thuế với cơ quan nhà nước.

3. Doanh nghiệp nợ thuế bị xử lý thế nào?

Theo Khoản 2 Điều 59 Luật quản lý thuế 2019, doanh nghiệp chậm nộp thuế sẽ chịu lãi chậm nộp, cụ thể như sau:

– Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp;

– Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp quy định tại khoản 1 Điều này đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.

Đồng thời, Tổng cục thuế ban hành Công văn 1489/TCT-QLN năm 2023 về triển khai biện pháp thu hồi và xử lý nợ đọng thuế. Theo đó, thu hồi và xử lý nợ đọng thuế bao gồm những nội dung sau:

1) Phân loại nợ thuế

2) Đôn đốc và cưỡng chế nợ

3) Đẩy nhanh việc xử lý đối với các khoản nợ đang chờ xử lý và tiền thuế đang chờ điều chỉnh

4) Cơ quan thuế thực hiện áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế theo đúng quy định để kịp thời thu hồi vào ngân sách nhà nước các khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế.

5) Tăng cường áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý thu nợ.

6) Triển khai xử lý khoanh nợ, xóa nợ

7) Cơ quan thuế thực hiện rà soát, xác định chính xác số tiền người nộp thuế còn nợ NSNN; hạch toán, theo dõi đầy đủ các khoản nợ trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS).

Trường hợp có vướng mắc, Cục Thuế chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc cơ quan có thẩm quyền để giải quyết dứt điểm số nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

8) Cơ quan thuế khẩn trương áp dụng các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế để thu hồi nợ thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách nhà nước theo đúng hướng dẫn tại công văn 689/TCT-QLN năm 2023 của Tổng cục Thuế, không để phát sinh thêm nợ mới.

9) Báo cáo

4. Biện pháp cưỡng chế các doanh nghiệp nợ thuế

Theo khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế 2019, các biện pháp cưỡng chế tiền thuế nợ năm 2023 bao gồm:

– Cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản của người nộp thuế mở tại Kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác.

– Cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập.

– Đề nghị cơ quan hải quan cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

– Cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

– Cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên.

– Cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ.

– Cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.