Giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân

Giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân

Giảm trừ gia cảnh là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam nhằm giảm bớt gánh nặng thuế cho người nộp thuế có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc thu nhập thấp. Đây là khoản tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế, bao gồm giảm trừ cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc. Mục tiêu của quy định này là bảo vệ mức sống cơ bản của cá nhân và gia đình, đồng thời khuyến khích đóng góp vào ngân sách nhà nước mà vẫn đảm bảo công bằng xã hội.

Áp lực gia đình và 5 cách vượt qua nhẹ nhàng | Prudential Việt Nam

(Ảnh minh họa)

1. Giảm trừ gia cảnh là gì?

Theo Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007: “Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần sau đây”

Đây là chính sách nhằm đảm bảo rằng người nộp thuế chỉ phải chịu thuế trên phần thu nhập thực sự cao hơn mức cần thiết để duy trì cuộc sống cơ bản của họ và gia đình. Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế.

2. Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay

Theo quy định của pháp luật, giảm trừ gia cảnh gồm hai phần: giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Mức giảm trừ gia cảnh mới nhất hiện nay được quy định trong Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14:

  • Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/ tháng (123 triệu đồng/ năm);
  • Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/ tháng.

Có thể thấy, so với Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 đã có điều chỉnh quan trọng về mức giảm trừ gia cảnh theo chiều hướng tăng lên đáng kể. Điều này phụ thuộc vào việc mức sống của người dân đã có nhiều thay đổi, lạm phát và giá cả sinh hoạt đi lên. Việc điều chỉnh từ 9 triệu đồng/ tháng cho bản thân người nộp thuế lên 11 triệu đồng và từ 3,6 triệu đồng/ tháng cho người phụ thuộc lên 4,4 triệu đồng là bước điều chỉnh hợp lý để người dân có thể bảo vệ thu nhập thực tế của mình, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế biến động. Ngoài ra với việc tăng mức giảm trừ gia cảnh, việc giảm gánh nặng thuế có thể tạo điều kiện cho người dân dành tài chính cho nhiều mục đích khác nhau hay tiết kiệm dài hạn nhằm thúc đẩy nền kinh tế, tăng trưởng tiêu dùng nội địa.

3. Xác định người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh

Khoản 3 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định về người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh như sau: “Người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm: 

a) Con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động; 

b) Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định, bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.” 

Các quy định trên được hướng dẫn cụ thể hơn tại  Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau: Đối với người phụ thuộc là con của người nộp thuế(gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng), cụ thể:

  • Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng).
  • Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
  • Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

Đối với người phụ thuộc khác của người nộp thuế:

  • Vợ hoặc chồng của người nộp thuế đáp ứng điệu kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
  • Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
  • Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC bao gồm:
    • Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.
    • Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.
    • Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột.
    • Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.

Cá nhân được tính là người phụ thuộc phải đáp ứng các điều kiện sau: Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

  • Bị khuyết tật, không có khả năng lao động. Trong đó, người khuyết tật, không có khả năng lao động là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,…).
  • Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

Tóm lại, chính sách giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng giữa nghĩa vụ đóng thuế và đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế. Đây không chỉ là biện pháp giúp giảm gánh nặng tài chính, mà còn thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với đời sống của người dân, đặc biệt là những người có trách nhiệm nuôi dưỡng gia đình. Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với tình hình kinh tế  – xã hội hiện tại là một bước tiến quan trọng, góp phần tạo nên hệ thống thuế công bằng, hiệu quả và bền vững hơn.