Kì thị người khuyết tật có vi phạm quy định của pháp luật hay không?

Kì thị người khuyết tật có vi phạm quy định của pháp luật hay không?

Kỳ thị người khuyết tật không chỉ là một hành vi thiếu đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại Việt Nam. Pháp luật hiện hành đã quy định rõ ràng về quyền bình đẳng của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ giáo dục, việc làm đến các hoạt động văn hóa, xã hội. Hành vi phân biệt, kỳ thị hay làm tổn thương người khuyết tật không chỉ xâm phạm quyền lợi hợp pháp của họ mà còn đi ngược lại các giá trị nhân văn mà pháp luật bảo vệ. Do đó, việc hiểu rõ các quy định pháp luật về vấn đề này là cần thiết để mỗi cá nhân và tổ chức có thể góp phần xây dựng một xã hội công bằng, không kỳ thị.

Bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật thế nào theo quy định

(Ảnh minh họa)

1. Khái niệm về người khuyết tật và kỳ thị người khuyết tật

Theo Điều 2 Luật Người khuyết tật 2010:

“1. Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.”

Khuyết tật có thể xuất hiện từ khi mới sinh ra hoặc sau một tai nạn, bệnh tật trong cuộc sống. Căn cứ vào mức độ tổn thương, người khuyết tật sẽ được phân thành nhiều dạng cũng như cấp độ chẳng hạn như: khuyết tật vận động, khuyết tật thị giác, khuyết tật trí tuệ…

2. Kỳ thị người khuyết tật là thái độ khinh thường hoặc thiếu tôn trọng người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó.”

Sự kỳ thị người khuyết tật thường bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, định kiến xã hội và tư duy coi thường người khuyết tật là gánh nặng hoặc kém cỏi. Điều này gây ra hậu quả tâm lý cho người khuyết tật và cản trở quyền lợi, cơ hội phát triển của họ khi tham gia vào các lĩnh vực công việc, cộng đồng.

2. Hành vi kỳ thị người khuyết tật

Điều 14 Luật Người khuyết tật  2010 quy định về các hành vi bị cấm như sau:

“1. Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật.

2. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

3. Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội.

4. Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

5. Người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định của pháp luật.

6. Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật.

7. Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật.”

Như vậy, kì thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật là một trong những hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật.

3. Xử phạt đối với hành vi kỳ thị người khuyết tật

Điều 11 Chương II Nghị định số 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định về vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật như sau:

“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật;

b) Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con hợp pháp của người khuyết tật;

c) Cản trở người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng;

d) Cản trở người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội;

đ) Cản trở người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận công nghệ thông tin.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt như sau:

2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.

Như vậy, hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức theo các quy định được trích dẫn ở trên.”

Việc đưa ra chế tài xử phạt đối với hành vi kỳ thị người khuyết tật có ý nghĩa sâu sắc cả về mặt pháp lý, xã hội và nhân văn. Đây là một trong những biện pháp quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật, nâng cao nhận thức cộng đồng và xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng.

Có thể thấy, kỳ thị người khuyết tật không chỉ vi phạm quy định pháp luật mà còn làm tổn thương những giá trị nhân văn của xã hội. Để xây dựng một cộng đồng văn minh và tiến bộ, chúng ta cần thúc đẩy sự bình đẳng, chống lại mọi hình thức kỳ thị, và tạo điều kiện để người khuyết tật có thể sống và phát triển toàn diện như mọi công dân khác.