LƯU Ý CẦN BIẾT TRƯỚC KHI THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
1. Lựa chọn hình thức thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Các nhà đầu tư thường lựa chọn thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) theo hai hình thức phổ biến sau:
- Đầu tư trực tiếp: Nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp vốn ngay từ đầu và phải thực hiện 2 thủ tục là xin cấp giấy chứng nhận đầu tư và xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của một doanh nghiệp vốn Việt Nam. Nếu nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn theo hình thức này thì không cần phải xin giấy chứng nhận đầu tư.
Nhà đầu tư có thể tham khảo một số điểm khác nhau cơ bản của 2 hình thức trên trong bảng sau:
Tiêu chí | Hình thức đầu tư trực tiếp | Hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp |
Địa chỉ | Phải có giấy tờ hợp pháp (có công chứng) chứng minh trụ sở công ty và địa điểm thực hiện dự án đầu tư như: Hợp đồng thuê nhà, thuê văn phòng. | Chỉ cần đáp ứng các điều kiện chung về địa chỉ trụ sở công ty. |
Vốn điều lệ | Phải chứng minh vốn đầu tư nước ngoài thông qua sao kê tài khoản ngân hàng. | Không yêu cầu giấy tờ chứng minh vốn. |
Năng lực kinh nghiệm | Một số ngành nghề yêu cầu phải có năng lực kinh nghiệm. | Không xét về năng lực kinh nghiệm. |
Kết quả | Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. |
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
Thông báo về việc đáp ứng đủ điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. |
Theo kinh nghiệm thực hiện thủ tục của LuatToanLong, thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) theo hình thức đầu tư trực tiếp sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí của nhà đầu tư hơn. Còn nếu muốn đơn giản thủ tục và tiết kiệm thời gian, chi phí, nhà đầu tư nước ngoài nên tham khảo cách thức thành lập theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của một doanh nghiệp vốn Việt Nam.
2. Về chủ thể thành lập doanh nghiệp và quốc tịch của nhà đầu tư nước ngoài
Cá nhân, tổ chức nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cần đáp ứng các điều kiện sau:
Đối với nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân:
- Là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không rơi vào các trường hợp bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định tại Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020.
- Có quốc tịch là quốc gia thành viên của WTO hoặc có ký điều ước song phương liên quan đến đầu tư với Việt Nam. Hiện tại, một số quốc tịch sẽ không được tham gia đầu tư tại Việt Nam nếu hộ chiếu mang “đường lưỡi bò”, như người có quốc tịch Trung Quốc.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức:
- Tổ chức nước ngoài được thành lập hợp pháp tại quốc gia là thành viên của WTO hoặc có ký điều ước song phương liên quan đến đầu tư với Việt Nam.
- Theo quy định hiện tại, một số ngành nghề kinh doanh sẽ hạn chế với nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài, chỉ cho phép tổ chức nước ngoài (pháp nhân) mới được đăng ký hoạt động.
3. Về ngành nghề đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp
- Không được mở rộng, đa dạng ngành nghề kinh doanh như công ty vốn trong nước, công ty có vốn đầu tư nước ngoài sẽ bị hạn chế hơn về lĩnh vực kinh doanh.
- Đối với những ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực đầu tư không nằm trong cam kết WTO, khi nhà đầu tư nước ngoài muốn hoạt động thì phải xin ý kiến chấp thuận từ Bộ công thương, thông thường khả năng đăng ký được là rất thấp, tùy thuộc vào năng lực tài chính, kinh nghiệm và việc giải trình của nhà đầu tư.
4. Về giá trị vốn góp và tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài
- Giá trị vốn góp tùy thuộc vào năng lực tài chính của nhà đầu tư, giá trị vốn góp cũng ảnh hưởng đến việc xin giấy phép lao động và xin Thẻ tạm trú của nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân
- Tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh mà nhà đầu tư dự định hoạt động. Một số ngành nghề (như là bán buôn, bán lẻ hay một số ngành thương mại…) sẽ không bị hạn chế về tỷ lệ vốn góp. Một số ngành nghề sẽ có ràng buộc tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài là dưới 51% hoặc sẽ không cho người nước ngoài đăng ký.
Ngoài ra, trường hợp nhà đầu tư lựa chọn thành lập công ty FDI theo hình thức đầu tư trực tiếp (tức là phải xin giấy chứng nhận đầu tư) thì cần lưu ý thêm đến các điều kiện sau đây:
5. Về địa chỉ trụ sở công ty và địa điểm thực hiện dự án đầu tư
- Công ty có vốn đầu tư nước ngoài ngay khi thành lập phải chứng minh được địa chỉ trụ sở công ty và địa điểm thực hiện dự án đầu tư là hợp pháp. Việc chứng minh này được thể hiện qua hợp đồng thuê nhà, thuê đất, thuê văn phòng…
6. Về năng lực tài chính khi tiến hành thủ tục
- Nhà đầu tư nước ngoài phải chứng minh được năng lực tài chính khi thành lập công ty. Việc chứng minh này thể hiện qua sao kê tài khoản ngân hàng tại nước ngoài (phải được hợp pháp hóa lãnh sự) hoặc tại Việt Nam.
- Nhà đầu tư nước ngoài cũng cần lưu ý thực hiện tiến độ góp vốn đúng theo giấy chứng nhận đầu tư để tránh vấn đề bị phạt hành chính.
7. Về năng lực kinh nghiệm và điều kiện theo ngành nghề kinh doanh
- Cần lưu ý thực hiện, đáp ứng đúng và đủ các điều kiện đối với từng ngành nghề yêu cầu điều kiện kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài.
- Nhà đầu tư nước ngoài cũng cần chứng minh năng lực kinh nghiệm trong một số ngành nghề kinh doanh đặc thù theo yêu cầu.