Một số quy định của pháp luật liên quan đến xử lý các hành vi bạo hành trẻ em

Một số quy định của pháp luật liên quan đến xử lý các hành vi bạo hành trẻ em

Gần đây, vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấn Hoa Hồng (quận 12, TP. HCM) đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Các bảo mẫu tại cơ sở này bị phát hiện có hành vi bạo hành trẻ em dã man, trong đó có các bé sơ sinh. Thông qua hình ảnh được trích xuất từ camera có thể thấy, các bé liên tục bị đánh, nhéo tai, thậm chí có những bé bị nhấc lên rồi ném xuống nệm gây nên thương tích nghiêm trọng. Sau khi phát giác, cơ quan chức năng đã và đang tiến hành điều tra, xử lý nghiêm đối với những người có liên quan. Vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, hình phạt dành cho hành vi bạo lực trẻ em được quy định như thế nào ?

Trẻ bị bạo hành ở mái ấm Hoa Hồng: Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM đề nghị xử lý

(Em bé (khoảng 1 tháng tuổi) bị bảo mẫu xách tay nhấc bổng trong lúc thay khăn – Nguồn ảnh: Thanh Niên)

1. Thế nào là bạo lực trẻ em ? 

Khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 quy định: “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em”.

Có thể thấy, bất kỳ hành vi nào cố ý làm hại trẻ em (người dưới 16 tuổi) đều được coi là bạo hành và ngược đãi trẻ em.  Bạo lực trẻ em có thể diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau như bạo hành thể xác (đánh đập), tinh thần (chửi rủa, nhục mạ), xâm hại tình dục, bỏ rơi…

2. Bạo lực trẻ em sẽ bị xử phạt như thế nào ? 

Căn cứ vào mục đích, động cơ, hậu quả của hành vi bạo hành, và tùy trường hợp người bạo hành có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

a. Đối với xử phạt hành chính

Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em như sau:

  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
    • Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
    • Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
    • Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;
    • Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
  • Biện pháp khắc phục hậu quả:
    • Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em;
    • Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

b. Xử phạt hình sự

Người thực hiện hành vi bạo hành nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em thì dựa vào tính chất, mức độ của hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:

  • Điều 134: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
  • Điều 123: Tội giết người;
  • Điều 128: Tội vô ý làm chết người;
  • Điều 140: Tội hạnh hạ người khác.

Có thể thấy, Luật pháp hiện nay quy định rất cụ thể về xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với từng vụ việc cụ thể căn cứ vào mức độ, tính chất của hành vi bạo lực.