Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là việc Tòa án quyết định tạm ngừng việc giải quyết vụ án dân sự đã thụ lý trong một thời hạn nhất định khi có những căn cứ do pháp luật quy định và khi lý do của việc tạm đình chỉ không còn thì Tòa án lại tiếp tục giải quyết vụ án dân sự hoặc việc dân sự đó.
1. Quy định của pháp luật về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2021.
Đối với chế định về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự cũng đã có những điều chỉnh, bổ sung cụ thể hơn, rõ ràng hơn so với các BLTTDS trước đây.
Điều 70 BLTTDS năm 2015 quy định đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Khi tham gia tố tụng, đương sự có các quyền, nghĩa vụ quy định cụ thể tại Điều luật này. Trong đó, tại khoản 18 Điều 70 BLTTDS năm 2015 quy định, đương sự có quyền: “Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật này”.
Tại khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015 quy định các căn cứ để Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, bao gồm:
“a) Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó;
b) Đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật;
c) Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế;
d) Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án;
đ) Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án;
e) Cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ;
g) Theo quy định tại Điều 41 của Luật phá sản;
h) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
2. Hậu quả của việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
– Tòa án không xóa tên vụ án dân sự bị tạm đình chỉ giải quyết trong sổ thụ lý mà chỉ ghi chú vào sổ thụ lý số và ngày, tháng, năm của quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đó.
– Tiền tạm ứng án phí, lệ phí mà đương sự đã nộp được gửi tại kho bạc nhà nước và được xử lý khi Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.
– Trường hợp tạm đình chỉ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 214 của Bộ luật tố tụng dân sự thì trước khi tạm đình chỉ, Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án phải có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với: Hiến pháp; Luật; Nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.