Sự khác nhau giữa tố cáo và tố giác

Sự khác nhau giữa tố cáo và tố giác

Mục tiêu hàng đầu của hệ thống pháp luật Việt Nam là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong đó, hai hành vi “tố cáo” và “tố giác” thường được công dân áp dụng để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Mặc dù cả hai hành vi đều liên quan đến việc báo cáo các vi phạm pháp luật, nhưng chúng lại có những ý nghĩa và mục đích khác nhau. Việc phân biệt rõ ràng giữa hai khái niệm này không chỉ giúp công dân hiểu biết sâu sắc hơn về quy trình tố cáo và tố giác trong pháp luật, mà còn đảm bảo việc áp dụng đúng cách, phát huy tối đa hiệu quả của hai hoạt động này.

Mẫu đơn to cáo chiếm đoạt đất đai mới năm 2022

(Ảnh minh họa)

1. Khái niệm tố cáo và tố giác

Theo khoản 1, Điều 2 Luật Tố cáo 2018, tố cáo được định nghĩa là: “Việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.”

Theo đó, có thê hiểu tố cáo là hành động của công dân hoặc tổ chức gửi thông tin đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật mà họ chứng kiến hoặc biết đến. Mục đích của việc tố cáo là để cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh và xử lý các hành vi vi phạm đó theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự: ” Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền”.

Như vậy, có thể hiểu tố giác về tội phạm là hành động của cá nhân hoặc tổ chức cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về một hành vi được cho là tội phạm, nhằm mục đích giúp cơ quan chức năng điều tra, xác minh và xử lý những hành vi phạm tội đó theo quy định của pháp luật.

2. Sự khác nhau cơ bản giữa tố cáo và tố giác

2.1. Về mục đích

  • Tố cáo: Nhằm yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân hoặc tổ chứuc bị ảnh hưởng bởi hành vi vi phạm.
  • Tố giác: Nhẳm cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để họ có thể tiến hành điều tra và xử lý các hành vi phạm tội.

2.2. Về nội dung thông tin

  • Tố cáo: Có thể bao gồm thông tin chi tiết về hành vi vi phạm, danh tính người vi phạm, thời gian và địa điểm xảy ra cùng với các chứng cứ có liên quan.
  • Tố giác: Thường chỉ cần thông tin về hành vi tội phạm, không yêu cầu người tố giác phải có đầy đủ chứng cứ.

2.3. Đối tượng

  • Tố cáo: Hành vi vi phạm pháp luật trong tố cáo nằm trong mọi lĩnh vực, không phân biệt tính chất, mức độ vi phạm.
  • Tố giác: Hành vi vi phạm pháp luật trong tố giác có thể cấu thành tội phạm. Hành vi này phải “có dấu hiệu của tội phạm” tương ứng một tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự. Chủ yếu tập trung vào các hành vi tội phạm nghiêm trọng như trộm cắp, lừa đảo, bảo lực và các tội danh khác.

2.4. Thời hạn xử lý

  • Tố cáo: Thời hạn giải quyết không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Trong trường hợp vụ việc phức tạp có thể gia hạn giải quyết nhưng không quá 30 ngày. Trong trường hợp vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo 2 lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
  • Tố giác: trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được việc tố giác, cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác. Trong trường hợp sự việc tố giác có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh nhiều nơi, thời hạn giải quyết tố giác kéo dài không quá 2 tháng hoặc Viện kiểm sát có thể gia hạn một lần (cũng không quá 2 tháng).

2.5. Hậu quả pháp lý

  • Tố cáo: việc thực hiện tố cáo là quyền của mỗi công dân, do công dân lựa chọn, chỉ trong trường hợp công dân trực tiếp gửi đơn tố cáo đến cơ quan, cá nhân có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm. Nếu như cơ quan chức năng chủ động phát hiện ra hành vi vi phạm thì công dân không tố cáo sẽ không phải chịu bất cứ hậu quả pháp lý nào cả.
  • Tố giác: Đây vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của mỗi công dân do đó đã có quan hệ pháp lý phát sinh ngay từ thời điểm tội phạm có dấu hiệu diễn ra. Khi công dân biết về hành vi phạm tội đang được chuẩn bị thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì sẽ chịu trách nhiệm hình sự về “tội không tố giác tội phạm”

Kết luận lại, việc phân biệt giữa tố cáo và tố giác có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống pháp luật, giúp công dân hiểu hơn về các quyền và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia bảo vệ trật tự xã hội. Sự phân định này không chỉ giúp áp dụng pháp luật đúng đắn mà còn khuyến khích công dân chủ động, có trách nhiệm hơn trong việc duy trì công bằng và an toàn cộng đồng.