1. Kinh doanh nhà trọ có cần đăng ký kinh doanh không?
Khoản 2 Điều 79 nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh bao gồm: Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối, những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp.
Như vậy, kinh doanh nhà trọ không thuộc vào những trường hợp nêu trên nên thuộc đối tượng cần phải đăng ký kinh doanh.
2. Đăng ký giấy phép kinh doanh phòng trọ, nhà trọ
Bước 1: Lựa chọn hình thức đăng ký kinh doanh nhà trọ
– Thành lập doanh nghiệp;
– Thành lập hộ kinh doanh.
Bước 2: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ xin giấy phép kinh doanh phòng trọ theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký giấy phép kinh doanh phòng trọ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Đối với hộ kinh doanh cá thể thì nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện;
– Đối với các loại hình doanh nghiệp như công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân thì nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính.
Bước 4: Tiến hành bổ sung, sửa hồ sơ trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc thiếu sót.
Bước 5: Nhận kết quả từ 3 – 5 ngày làm việc.
3. Hồ sơ và thủ tục xin giấy phép kinh doanh phòng trọ, nhà trọ đối với hộ kinh doanh
Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh nhà trọ theo hình thức hộ kinh doanh bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
– Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
– Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
– Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
4. Hồ sơ và thủ tục xin giấy phép kinh doanh phòng trọ, nhà trọ đối với doanh nghiệp
Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh nhà trọ theo hình thức doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 87 Nhị định 01/2021/NĐ-CP gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
– Điều lệ công ty (hoặc dự thảo điều lệ nếu chưa có quyết định chính thức);
– Văn bản nêu rõ danh sách những cổ đông và thành viên sáng lập công ty (danh sách cổ đông, danh sách thành viên);
– Bản sao các giấy tờ chứng thực thành viên, người đại diện theo pháp luật (chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước);
– Giấy tờ chứng thực thành viên, người đại diện theo pháp luật;
– Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của người đại diện theo ủy quyền và người đại diện theo pháp luật;
-Văn bản xác nhận vốn pháp định.
5. Thuế kinh doanh nhà trọ
Theo quy định của pháp luật, đối với hoạt động kinh doanh phòng trọ có doanh thu hàng năm bằng hoặc dưới 100 triệu đồng thì không cần kê khai hay nộp bất cứ loại thuế nào.
Đối với hoạt động kinh doanh phòng trọ có doanh thu hàng năm trên 100 triệu đồng phải đóng đầy đủ 3 loại thuế sau: Thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
6. Không có giấy phép kinh doanh nhà trọ bị phạt như thế nào?
Kinh doanh nhà trọ là ngành nghề phải đăng ký kinh doanh, vì vậy khi không đăng ký, thì người cho thuê nhà trọ để kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định thì cá nhân, tổ chức vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:
– Bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký theo quy định tại Điểm a khoản 4 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP;
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định tại Điểm c khoản 1 điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP.