Từ ngày 01/07/2025, chính sách bảo hiểm xã hội tại Việt Nam sẽ có những thay đổi quan trọng, đặc biệt là việc mở rộng phạm vi chế độ thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây là bước tiến mới trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động, giúp nhiều phụ nữ không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc có thể được hưởng các quyền lợi về thai sản. Trong đó có quy định cụ thể về thủ tục hưởng chế độ thai sản khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
(Ảnh minh họa)
1. Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội tự nguyện được hiểu là một hình thức bảo hiểm do Nhà nước tổ chức, cho phép người dân tự nguyện tham gia và đóng góp để hưởng các chế độ khi về già hoặc khi gặp rủi ro. Khác với bảo hiểm xã hội bắt buộc dành cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, bảo hiểm xã hội tự nguyện hướng đến đối tượng là mọi cá nhân không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, như lao động tự do, nông dân, tiểu thương hoặc những người làm việc không có hợp đồng lao động chính thức.
2. Thế nào là chế độ thai sản?
Hiện nay, theo khoản 2, Điều 4, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, BHXH tự nguyện mới chỉ gồm có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên từ ngày 01/07/2025, người tham gia sẽ được hưởng chế độ thai sản. Đây được coi là một trong các quyền lợi bảo hiểm xã hội khi mang thai và sinh con hoặc khi nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi. Chế độ này nhằm đảm bảo cho người tham gia được nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe và có một khoản trợ cấp tài chính trong thời gian không làm việc để sinh và nuôi con.
3. Đối tượng được hưởng chế độ thai sản khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo Điều 94 Luật bảo hiểm xã hội 2024, những đối tượng sau đây thuộc diện được hưởng chế độ thai sản khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện:
“1. Đối tượng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con được hưởng trợ cấp thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ sinh con;
b) Lao động nam có vợ sinh con.
2. Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản.
3. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản quy định tại khoản 1 Điều này thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng trợ cấp thai sản.
4. Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều này vừa có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện và vừa có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc thì chỉ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc.
5. Trường hợp mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, cha đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mẹ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và cha được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện.
6. Trường hợp cha đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, mẹ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cha được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và mẹ được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện”.
4. Hồ sơ cần chuẩn bị
Điều 96 Luật bảo hiểm xã hội 2024 quy định, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thai sản là một trong các giấy tờ sau đây:
“1. Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
2. Trường hợp thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ hoặc con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì hồ sơ là một trong các giấy tờ sau đây:
a) Bản chính hoặc bản sao bản tóm tắt hồ sơ bệnh án có thể hiện thông tin con chết;
b) Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện của lao động nữ sinh con có thể hiện thông tin con chết;
c) Bản sao giấy báo tử của con;
d) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp con chết trong vòng 24 giờ sau khi sinh”.
5. Thủ tục hưởng chế độ thai sản khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Điều 97 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về các thủ tục cần thiết để nhận được trợ cấp thai sản:
“1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại Điều 96 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
Tóm lại, với sự mở rộng quyền lợi từ ngày 01/07/2025, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể sẽ được hưởng chế độ thai sản, giúp bảo đảm quyền lợi và sức khỏe cho phụ nữ trong giai đoạn mang thai và sinh con. Việc hiểu rõ quy trình, điều kiện và hồ sơ cần thiết để hưởng chế độ này là điều rất quan trọng để đảm bảo quá trình giải quyết thủ tục diễn ra thuận lợi. Đây là một bước tiến đáng ghi nhận trong chính sách an sinh xã hội của Việt Nam, giúp tạo điều kiện tốt hơn cho những người lao động tự do, không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, có thể bảo vệ và chăm lo cho tương lai của mình.