Việc bãi bỏ hình thức giám sát của nhân dân bằng các thiết bị ghi âm, ghi hình là thay đổi mới trong Thông tư 46/2024/TT-BCA. Trước đây, các thiết bị này đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và đảm bảo an ninh, trật tự tại nhiều khu vực công cộng. Do đó, với sự thay đổi về chính sách, việc loại bỏ hình thức này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, từ lo ngại về quyền lợi cho đến hiệu quả trong công tác bảo đảm an ninh.
(Ảnh minh họa)
Khoản 6 Điều 11 Thông tư 46/2024/TT-BCA về sửa đổi, bổ sung quy định hình thức giám sát của nhân dân trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quy định:
“1. Nhân dân được giám sát thông qua các hình thức sau:
a) Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng Công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng;
b) Qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật;
c) Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ;
d) Kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
đ) Quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.
Trong đó, việc giám sát phải bảo đảm các điều kiện gồm: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; không vào khu vực thực thi công vụ trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan; tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Nguyên nhân của sự thay đổi này là do Bộ Công an nhận định, việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng cảnh sát giao thông có lúc, cơ nơi chưa khách quan, đúng quy định. Đôi khi xảy ra tình trạng lợi dụng quyền giám sát với mục đích quay phim, ghi hình quá trình làm việc với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông để chia sẻ lên mạng xã hội làm ảnh hưởng đến hình ảnh chung.