Chồng cấm vợ đi làm có vi phạm pháp luật hay không?

Chồng cấm vợ đi làm có vi phạm pháp luật hay không?

Trong xã hội hiện đại, quyền bình đẳng giữa vợ và chồng không chỉ là một nguyên tắc đạo đức mà còn được bảo vệ bởi pháp luật. Một trong những quyền cơ bản của mọi cá nhân, bao gồm cả phụ nữ, là quyền được làm việc và tự do lựa chọn nghề nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp người chồng can thiệp hoặc cấm vợ đi làm, đặt ra câu hỏi liệu hành vi này có vi phạm pháp luật hay không. 

Chồng Không Cho Vợ đi Làm, Tôi Có Nên ở Nhà?

(Ảnh minh họa)

1. Hành vi chồng ngăm cấm vợ đi làm có vi phạm các quy định của pháp luật hay không?

Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 35 Luật Hiến pháp 2013 đã quy định: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”. 

Quy định này có ý nghĩa quan trọng, khẳng định quyền cơ bản của mỗi cá nhân trong việc tự do lao động và tham gia vào các hoạt động kinh tế đồng thời thể hiện sự tôn trọng quyền con người trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Nó cho thấy rằng mỗi cá nhân đều có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp và được đi làm mà không ai có quyền ngăn cản hay can thiệp.

Thứ hai, Điều 17 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan”.

Do đó, nếu chồng cấm vợ đi làm có thể được xem là vi phạm nguyên tắc bình đẳng giữa vợ chồng.

2. Xử phạt hành vi chồng ngăn cấm vợ đi làm

Điểm b khoản 1, khoản 4 Điều 55 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý như sau:

“Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó;

b) Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc;

c) Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục;

b) Có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này”.

Có thể thấy, theo quy định trên, việc chồng ngăn cấm vợ đi làm có thể bị phạt tiền từ 5.00.000 đồng – 10.000.000 triệu đồng và buộc xin lỗi công khai nếu người vợ đưa ra yêu cầu.

Việc chồng cấm vợ đi làm là hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là quyền tự do lao động của người vợ theo quy định của Hiến pháp và những văn bản pháp luật khác có liên quan. Mỗi cá nhân đều có quyền tự quyết trong việc lựa chọn con đường phát triển sự nghiệp của mình mà không bị ép buộc hoặc pháp luật bởi bất kỳ ai, kể cả trong quan hệ hôn nhân. Việc tôn trọng và thúc đẩy sự bình đẳng trong gia đình không chỉ góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ mà vẫn bảo vệ hạnh phúc gia đình bền vững.