Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với các thách thức pháp lý về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm do AI sáng tạo. Tại Việt Nam, câu hỏi liệu các tác phẩm do AI tạo ra có được bảo hộ hay không vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Các quy định pháp lý hiện hành vẫn chưa rõ ràng về việc cấp quyền sở hữu trí tuệ đối với những sáng tạo mà không có sự can thiệp của con người. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn về việc Việt Nam cần phải điều chỉnh hệ thống pháp luật của mình như thế nào để phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ và bảo vệ quyền lợi của các tác giả trong thời đại số.
(Ảnh minh họa)
1. Tìm hiểu về tác phẩm AI
1.1. Khái niệm tác phẩm AI
Tác phẩm AI (tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo) có thể hiểu là những sản phẩm nghệ thuật, văn học, âm nhạc, hình ảnh, hoặc các dạng sáng tạo khác được tạo ra bởi một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI). Các tác phẩm này có thể được AI sáng tạo hoàn toàn độc lập hoặc kết hợp với sự can thiệp của con người.
1.2. Quá trình tạo ra 1 tác phẩm AI
Để tạo ra được một sản phẩm, AI với các thuật toán học máy (machine learning), học sâu (deep learning) và các mô hình ngôn ngữ tự nhiên như GPT (Generative Pretrained Transformer) có khả năng học hỏi từ dữ liệu đầu vào để nhào nặn và trả về các tác phẩm theo yêu cầu. Những tác phẩm này có thể là văn bản, hình ảnh, âm nhạc, phim ảnh, hoặc thậm chí là các tác phẩm nghệ thuật tương tác.
1.3. Đặc điểm của tác phẩm AI
- Tự động hóa: AI có thể tạo ra các sản phẩm mà không cần sự tham gia trực tiếp của con người trong từng bước sáng tác, mặc dù có thể có sự chỉ đạo hoặc điều chỉnh từ người dùng.
- Khả năng bắt chước hoặc tạo mới: AI có thể bắt chước phong cách sáng tác của một tác giả hoặc nghệ sĩ nổi tiếng, hoặc tạo ra những tác phẩm mới mẻ, không theo bất kỳ phong cách nào đã có trước đó.
- Tạo ra đa dạng các sản phẩm: AI có thể tạo ra các thể loại tác phẩm rất đa dạng từ văn học (thơ, truyện), đến các loại hình nghệ thuật như tranh vẽ, âm nhạc, phim ngắn, thiết kế đồ họa, thậm chí là các trò chơi điện tử.
2. Bảo hộ tác phẩm AI tại Việt Nam hiện nay
Trước hết, cần xác định chủ thể quyền tác giả hiện nay được quy định như thế nào. Theo khoản 2 và khoản 6 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022) có quy định như sau:
“2. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
6. Chủ thể Quyền Sở hữu trí tuệ là chủ sở hữu Quyền Sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao Quyền Sở hữu trí tuệ.”
Có thể thấy, trí tuệ nhân tạo không thuộc một trong hai đối tượng “tổ chức”, “cá nhân” nêu trên, vì bản chất nó là sản phẩm do con người tạo ra, không được sinh ra tự nhiên và không có các quyền nhân thân, quyền tài sản được quy định theo Bộ luật Dân sự năm 2015.
Như vậy, trí tuệ nhân tạo không được coi là chủ thể của quyền tác giả. Do đó, tác phẩm do trí tuệ nhân tạo chưa được bảo hộ theo luật Việt Nam hiện nay.
3. Những khó khăn trong việc xây dựng cơ chế bảo hộ cho tác phẩm AI
Thứ nhất, khó khăn trong việc xác định tác giả. Truyền thống pháp lý của Việt Nam về bản quyền chính là xác định chủ thể là con người. Tuy nhiên AI lại là một hệ thống được lập trình chứ không thuộc phạm trù cá nhân hay tổ chức. Vậy nên rất khó để có thể xác định dược tác giả của một tác phẩm AI do đứng sau công cụ này còn có lập trình viên, người cung cấp dữ liệu. Trong số đó, ai sẽ là tác giả? Điều này cũng liên quan đến câu chuyện về tính sáng tạo trong một tác phẩm AI.
Thứ ba, vấn đề hưởng lợi từ bản quyền. Các tác phẩm từ AI có thể được sử dụng và thương mại hóa bởi nhiều bên khác nhau. Vậy khi được khai thác thì ai sẽ là người được hưởng lợi bản quyền đối với tác phẩm AI?
Thứ tư, khả năng vi phạm bản quyền và trách nhiệm pháp lý của công nghệ AI. AI có thể tạo ra những tác phẩm tương tự với các tác phẩm đã có bản quyền mà không cố ý do sử dụng dữ liệu sẵn có từ nhiều nguồn khác nhau. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm pháp lý khi AI vi phạm bản quyền? Liệu đó là người tạo ra AI, người sử dụng AI, hay chính nó (nếu có thể xác định trách nhiệm pháp lý cho AI)?
4. Có nên xây dựng cơ chế bảo hộ cho tác phẩm AI?
Mặc dù có những khó khăn và thách thức lớn như đã nêu ở trên, nhưng việc thiết lập một cơ chế bảo hộ cho tác phẩm AI là cần thiết và có thể mang lại nhiều ý nghĩa có thẻ kể đến như:
- Xây dựng cơ chế bảo hộ cho tác phẩm AI sẽ cung cấp cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp.
- Khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo.
- Đảm bảo quyền lợi cho những người sáng tạo và sử dụng AI.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng:
- Không phải tất cả tác phẩm AI đều cần bảo vệ: Một số tác phẩm do AI tạo ra có thể chỉ là sự tái tạo đơn giản hoặc là kết quả của quá trình học máy từ dữ liệu có sẵn mà không có tính sáng tạo đáng kể. Các cơ chế bảo vệ bản quyền cần được cân nhắc kỹ để không bảo vệ các tác phẩm “tái sử dụng” mà không có sự đóng góp sáng tạo đáng kể từ người sáng tạo hoặc từ AI.
- Cần có sự phân biệt rõ ràng giữa AI và con người: Việc xác định “tác giả” của các tác phẩm AI là một thách thức lớn, và cần có quy định rõ ràng để phân biệt trách nhiệm và quyền sở hữu giữa người lập trình, người sử dụng AI, và AI như một công cụ. Cần tránh việc bảo vệ các sản phẩm AI mà không có sự đóng góp có giá trị của con người.
Hiện nay, Việt Nam chưa có một cơ chế pháp lý rõ ràng và đầy đủ để bảo vệ các tác phẩm do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra. Dưới hệ thống pháp lý hiện hành, các quy định về bản quyền chủ yếu áp dụng cho các tác phẩm do con người sáng tạo. Mặc dù vậy, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI và sự gia tăng của các sản phẩm sáng tạo do AI tạo ra, nhu cầu bảo vệ quyền lợi đối với các tác phẩm AI trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Để đáp ứng yêu cầu của thời đại, Việt Nam cần sớm cập nhật và hoàn thiện các quy định pháp lý về bản quyền, đặc biệt là liên quan đến tác phẩm AI, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan và thúc đẩy sự sáng tạo trong ngành công nghiệp công nghệ. Việc xây dựng cơ chế bảo vệ hợp lý và công bằng sẽ góp phần tạo ra một môi trường pháp lý ổn định, khuyến khích sự đổi mới sáng tạo trong tương lai.