Xe vi phạm giao thông bị tạm giữ xảy ra hư hỏng, giải quyết thế nào?

Xe vi phạm giao thông bị tạm giữ xảy ra hư hỏng, giải quyết thế nào?

Thắc mắc của người dân về tình trạng phương tiện vi phạm bị tạm giữ nhưng qua thời gian xuống cấp, hư hại thì xử lý như thế nào và có được bồi thường hay không?

                    Hình ảnh minh họa
  1. Trường hợp nào bị tạm giữ phương tiện?

Căn cứ theo Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về những trường hợp tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm như sau:

– Điểm c khoản 6; Điểm a, c khoản 8 và khoản 10 Điều 5.

– Điểm b, c Khoản 6; Điểm c Khoản 7; Điểm a,b,c,d,e,g,h,i Khoản 8 và Khoản 9 Điều 6.

– Điểm c Khoản 6; Điểm b Khoản 7; Điểm a, b Khoản 8; Khoản 9 Điều 7.

– Điểm q Khoản 1; Điểm e khoản 3; điểm a,c,d,đ (trong trường hợp người vi phạm là người dưới 16 tuổi và điều khiển phương tiện), điểm g (trong trường hợp người vi phạm là người dưới 16 tuổi và điều khiển phương tiện) Khoản 4 Điều 8

– Khoản 9 Điều 11

– Điểm a,b Khoản 4; Khoản 5; Điểm a,b,c Khoản 6 Điều 16

– Điểm a,b,c Khoản 2 Điều 17

– Điểm b,đ khoản 1; Điểm c,d,đ,e Khoản 2 Điều 19.

– Khoản 1; Điểm a Khoản 4; Khoản 5,6,7,8,9 Điều 21.

– Điểm đ,g,h,k Khoản 5; Điểm b,e,h Khoản 8; Điểm c,i Khoản 9; Điểm b khoản 10 Điều 30.

– Điểm b Khoản 5 Điều 33.

Về thời hạn của việc tạm giữ phương tiện, theo quy định tại Khoản 8 Điều 125 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 như sau:

– Thời hạn tạm giữ xe vi phạm giao thông không quá 07 ngày làm việc, tính từ ngày tạm giữ. Trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, tính từ ngày tạm giữ.

– Đối với trường hợp có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết của vụ việc thì có thể được kéo dài nhưng không quá 01 tháng hoặc không quá 02 tháng (trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp).

  1. Người vi phạm có tự chịu khi phương tiện bị tạm giữ hư hỏng?

Trước thắc mắc của người dân về tình trạng phương tiện vi phạm bị tạm giữ nhưng qua thời gian xuống cấp, hư hại thì xử lý như thế nào và có được bồi thường hay không, theo Bộ Công an, Nghị định 138/2021/NĐ-CP  đã quy định rất cụ thể.

Theo đó, Khoản 2 Điều 3 Nghị định 138/2021/NĐ-CP  quy định: “Các tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải được bảo đảm tính nguyên vẹn, không tính đến phần giảm giá thiệt hại do các nguyên nhân khách quan như thời tiết, độ ẩm, hao mòn theo thời gian và các nguyên nhân khác”.

 

Trong khi đó, Khoản 3 Điều 9 Nghị định 138/2021/NĐ-CP  quy định: “Người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ có trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.

Trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ”.

Như vậy, người dân sẽ không phải tự chịu về việc hư hỏng của phương tiện bị tạm giữ mà có thể liên hệ với cơ quan ra quyết định tạm giữ phương tiện để được giải quyết.

  1. Ai sẽ bồi thường khi phương tiện bị tạm giữ hư hỏng?

Ngoài các phân tích trên thì theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định về việc bồi thường như sau:

Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.

Trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp phương tiện giao thông vi phạm hành chính được giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản thì người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính từ khi tạm giữ phương tiện cho đến khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.

Tóm lại, khi phương tiện bị tạm giữ hư hỏng thì người quản lý, bảo quản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định, còn người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của pháp luật.