Quay lén phim chiếu rạp đăng lên mạng bị xử lý như thế nào?

Quay lén phim chiếu rạp đăng lên mạng bị xử lý như thế nào?

Trong thời đại công nghệ số phát triển, việc quay lén phim chiếu rạp và đăng tải lên mạng xã hội không chỉ là hành vi vi phạm bản quyền mà còn gây thiệt hại lớn cho ngành công nghiệp điện ảnh. Những video quay lén này làm giảm doanh thu phòng vé, ảnh hưởng đến nhà sản xuất, diễn viên và cả khán giả chân chính. Hành động này không chỉ là vi phạm đạo đức mà còn có thể bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật. Vậy, quay lén phim chiếu rạp và phát tán trên mạng sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định hiện hành?

Phải dẹp nạn quay lén!

(Ảnh minh họa)

1. Quay lén là gì? 

Hiện nay pháp luật không có định nghĩa cụ thể về “quay lén” tuy nhiên ta có thể hiểu “quay lén” là hành động sử dụng thiết bị ghi hình (như điện thoại, máy quay, camera giấu kín) để quay phim hoặc chụp ảnh một đối tượng hay một cá nhân nào đó mà không được sự đồng ý, cho phép.

2. Hành vi quay lén phim chiếu rạp đăng lên mạng 

Thứ nhất, về đối tượng được bảo hộ quyền tác giả. Theo điểm e khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sở hữu trí tuệ 2022) các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm có:

“1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

c) Tác phẩm báo chí;

d) Tác phẩm âm nhạc;

đ) Tác phẩm sân khấu;

e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

…”

Thứ hai, hành vi quay lén phim chiếu rạp đăng lên mạng xã hội được coi là một hình thức sao chép. Căn cứ theo khoản 10 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 như sau: “Sao chép là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.”

Thứ ba, việc sao chép tác phẩm và đăng tải khi chưa được sự đồng ý là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022) quy định các hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm:

“1. Xâm phạm quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật này.

2. Xâm phạm quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.

3. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các điều 25, 25a và 26 của Luật này.

4. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều này và Điều 35 của Luật này.

5. Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả.

6. Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

7. Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

8. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật này.”

Khoản 2 Điều 28 dẫn chiếu đến Điều 20 về quyền tài sản, trong đó quy định quyền tài sản bao gồm: “Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này”

Về điều khoản ngoại lệ tại khoản 3 Điều 28: “Chủ sở hữu quyền tác giả không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hành vi sau đây:

a) Sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này; sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp tác phẩm, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại;

b) Phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối đối với bản gốc, bản sao tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối.”

Có thể thấy, việc quay lén phim chiếu rạp không rơi vào trường hợp ngoại lệ nói trên cho nên đây là hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả.

3. Mức xử phạt đối với hành vi quay lén phim chiếu rạp phát tán lên mạng xã hội

3.1. Xử phạt hành chính

Theo Điều 27 Nghị định 131/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan như sau:

“1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.”

Tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định về khung phạt tiền với cá nhân và tổ chức như sau: “Khung phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là khung phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 5; Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm, khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần khung phạt tiền đối với cá nhân.”

Như vậy, hành vi quay lén phim chiếu rạp để phát tán có thể bị phạt lên tới 35 triệu đồng đối với cá nhân và 70 triệu đồng đối với tổ chức. Bên cạnh đó, bên vi phạm buộc phải gỡ bỏ các bản quay lén hoặc tiêu hủy toàn bộ tang vật.

3.2. Xử lý hình sự

Theo khoản 1 Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 52 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) người có hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

“1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;

b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.”

Có thể thấy hành vi quay lén phim chiếu rạp có thể bị phạt tiền lên đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Tóm lại, hành vi quay lén phim chiếu rạp và đăng tải lên mạng không chỉ vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến nền công nghiệp điện ảnh và văn hóa thưởng thức của xã hội. Các hình phạt từ phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự là lời cảnh báo mạnh mẽ cho những ai có ý định thực hiện hành vi này. Để bảo vệ tác phẩm nghệ thuật và duy trì sự công bằng trong việc thưởng thức điện ảnh, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền và tuân thủ pháp luật.