Bản quyền là quyền tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tác. Thông thường đối với tác phẩm của mình ngay tại thời điểm mà tác giả tạo ra sản phẩm. Các cá nhân khác không được xâm phạm đến các quyền của tác giả về quản lý, sử dụng, khai thác giá trị của tác phẩm nếu chưa được đồng ý.
Các cá nhân, tổ chức nắm giữ bản quyền được quyền sử dụng cũng như khai thác các lợi ích liên quan của sản phẩm. Do đó mà pháp luật cũng bảo vệ cho các quyền lợi cơ bản của họ. Các đối tượng nắm giữ bản quyền được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật quốc gia, qua đó nó cũng có giá trị công nhận trên quốc tế và được bảo vệ.
Khái niệm xâm phạm bản quyền trên Internet hiện chưa được định nghĩa ở văn bản nào tuy nhiên có thể hiểu đây là hành vi xâm phạm liên quan đến quyền tác giả trên môi trường mạng internet. Hiện nay mạng internet phổ biến nhất bao gồm Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok… Bởi vậy, có thể hiểu, việc xâm phạm quyền bản quyền trên không gina này là các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quyền tác giả được thực hiện trên Facebook, Google, Tiktok, Youtube…Có thể kể đến các hành vi như chiếm đoạt, mạo danh tác giả, sao chép, sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc… các tác phẩm dưới mọi hình thức trên môi trường mạng.
Điều kiện xác định hành vi xâm phạm bản quyền trên Internet
Theo quy định của pháp luật hiện hành, để xác định vi phạm bản quyền cần chỉ ra được các điều kiện sau đây:
- Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền tác giả;
- Các yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét;
- Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả;
- Hành vi bị xem xét xảy ra ở Việt Nam. Ngoài ra, hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra ở Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm bản quyền
Hiện nay, các hành vi xâm phạm tuỳ vào từng mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Tự bảo vệ
Đối với các hành vi xâm phạm thì chủ chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền thực hiện các hành vi pháp lý căn cứ Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 76 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 và được bổ sung bởi khoản 10 Điều 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019:
- Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
- Ngoài ra, chủ thể quyền sở hữu có thể gửi thư cảnh báo đến bên bị nghi ngờ thực hiện hành vi phạm và yêu cầu họ:
- Ngừng ngay lập tức việc thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
- Loại bỏ các yếu tố xâm phạm;
- Tiêu hủy tài liệu, bảng hiệu, giấy tờ giao dịch, sản phẩm… có gắn yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang xử lý;…
Với các hành vi xâm phạm xảy ra trên facebook hoặc youtube, có thể report vi phạm với các bên này.
Bên cạnh đó, chủ thể quyền sở hữu có thể căn cứ vào Điều 198b Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2022 quy định về trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian để tự bảo vệ bản quyền của mình. Theo đó doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian sẽ phải có trách nhiệm trong việc triển khai các biện pháp kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các chủ thể quyền thực thi các biện pháp bảo vệ quyền tác giả trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet.
Trong trường hợp, chủ thể quyền sở hữu gặp khó khăn không biết giải quyết như thế nào khi gặp phải hành vi xâm phạm bản quyền thì có thể sử dụng các dịch vụ pháp lý để được tư vấn và hỗ trợ giải quyết.
Phạt hành chính
Hành vi xâm phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định 131/2013/NĐ-CP sửa bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP. Có thể kể đến một số hành vi vi phạm thường gặp và mức phạt như sau:
- Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả
- Cá nhân: Từ 15 – 35 triệu đồng.
- Tổ chức: Từ 30 – 70 triệu đồng.
- Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm
- Tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm: Từ 03 – 05 triệu đồng.
- Xuyên tạc tác phẩm: Từ 05 – 10 triệu đồng.
- Vi phạm về phân phối tác phẩm đến công chúng
- Cá nhân: Từ 10 – 30 triệu đồng.
- Tổ chức: Từ 20 – 60 triệu đồng.
Trách nhiệm hình sự
Căn cứ Điều 225 Bộ luật Hình sự về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, người nào cố ý xâm phạm quyền tác giả thì có thể bị phạt theo các mức:
- Phạt tiền từ 50 – 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạt tiền từ 300 triệu đồng – 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng – 03 năm…
- Cùng với việc nộp phạt, người vi phạm bản quyền bắt buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, đó là;
- Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, thông tin sai sự thật đối với các hành vi vi phạm;
- Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm trên môi trường mạng và kỹ thuật số.
Về thẩm quyền xử phạt, theo quy định hiện hành, có nhiều cơ quan được trao cho thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền xử phạt những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Internet (theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP) bao gồm thanh tra chuyên ngành, chủ tịch uỷ ban nhân dân các cấp, công an nhân dân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường. Trong lĩnh vực quyền tác giả, hầu hết các cơ quan này cũng đều có thẩm quyền xử lý vi phạm (Nghị định số 131/2013/NĐ-CP). Và như vậy, trong trường hợp một hành vi vi phạm quyền tác giả trên Internet nếu thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều cơ quan thì việc xử phạt sẽ do cơ quan thụ lý đầu tiên thực hiện.
Vậy nên, khi sưa tầm, đăng tải tài liệu trên website, Internet cần có sự đồng ý của tác giả và phải trả nhuận bút, thù lao (theo thỏa thuận) để tránh những rắc rối về mặt pháp lý.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Toàn Long, trường hợp quý khách gặp khó khăn trong việc tìm hiểu pháp luật Việt Nam và không nắm rõ các thủ tục cần thực hiện. Do đó, quý khách có thể ủy quyền cho Luật Toàn Long để thay mặt thực hiện các thủ tục một cách nhanh nhất và đạt hiệu quả. Luật Toàn Long với đội ngũ nhân viên có chuyên môn cao, tận tâm và tạo ra chất lượng phục vụ tốt nhất nhằm hạn chế tối đa chi phí, thời gian của Qúy khách hàng.